Thuế tiêu thụ đặc biệt 2018 cơ hội mua xe giá rẻ?

1400

Thuế tiêu thụ đặc biệt 2018 cơ hội mua xe giá rẻ? Bộ Tài chính đã đưa ra quan điểm không đồng thuận với đề xuất của Bộ Công thương về việc không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước trong tờ trình mới đây.

Trước đó, Bộ Công thương cho rằng quy định tại Tại khoản 1 Điều 6 Luật thuế TTĐB: “Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra” không thật sự khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Thuế tiêu thụ đặc biệt 2018 cơ hội mua xe giá rẻ?

Bởi vậy, ngày 28/4/2017, Bộ Công thương đã có báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển, trong đó có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo như báo cáo này, Bộ Công thương đã đề xuất về việc thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Trong đề xuất này có 2 phương án như sau:

Phương án 1: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).

Phương án 2: Thực hiện theo phương án đề xuất của Bộ Công thương, theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình không đồng ý với phương án thứ 2 mà Bộ Công thương đã đề xuất do thấy phương án này chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia NT nêu tại Điều III, Hiệp định GATT. Cụ thể:

Điều III khoản 1: Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy định định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.

Điều III khoản 5: Không một bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì một quy tắc định lượng nội địa nào pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay theo tỷ lệ, trực tiếp hay gián tiếp đòi hỏi một khối lượng hay tỷ lệ nhất định của bất cứ một sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa. Thêm vào đó, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng quy tắc định lượng trong nước theo cách nào khác trái với các nguyên tắc đã quy định tại khoản 1.

Từ giải thích trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện việc thu thuế TTĐB theo phương án thứ nhất của Bộ Công thương đưa ra. Như vậy, sẽ không có ưu đãi cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện làm ra trong nước.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã được áp dụng thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN bằng 0% nhưng bước sang năm 2018 giá xe nhập khẩu trên thị trường Việt Nam đã không giảm nhiều như kỳ vọng của nhiều người tiêu dùng.

Hàng loạt chính sách được Chính phủ đưa ra nhằm hạn chế dòng xe nhập khẩu ồ ạt về nước, tạo thế cân bằng cho xe CKD và CBU trên thị trường, điển hình như Nghị định 116. Mặc dù giá xe đã có giảm đôi chút nhưng theo dự đoán, năm 2018, giá xe sẽ không có biến động giảm quá lớn. Người tiêu dùng chỉ nên mong chờ về một thị trường ô tô giá hợp lý chứ không phải giá rẻ.

Quỳnh Trang (Tuoitrethudo)